Để thuận tiện trong việc tìm hiểu, trao đổi, bổ sung kiến thức các môn học đã qua, đề nghị các thành viên, các nhóm trong lớp chia sẻ tài liệu trên email (chavk17@gmail.com) của lớp để mọi người cùng tham khảo và học hỏi lẫn nhau nhé.

Tìm kiếm thông tin

Thứ Ba, 25 tháng 5, 2010

V/v gửi hình làm trang ảnh học viên và album ảnh lớp



Để trang web lớp được phong phú, sinh động hơn, mong các bạn học viên gửi file ảnh cá nhân của mình (hình thẻ hoặc hình kiểu) về địa chỉ email của lớp chavk17@gmail.com để tổng hợp và đưa lên trang "Ảnh học viên" nhé. Ngoài ra, các bạn có ảnh nào đẹp đẹp có thể gửi để chia sẻ cùng bạn bè (ảnh chân dung, ảnh ngoài trời, dã ngoại, học tập, vui chơi...) cũng gửi về địa chỉ trên để làm "album ảnh lớp" hé.

Rất mong các bạn nhiệt tình hưởng ứng.
Chúc các bạn vui khỏe.

Thứ Bảy, 22 tháng 5, 2010

V/v học môn Triết học

Môn Triết học (5 TC - 75 tiết) sẽ chính thức học vào lúc 13h30 ngày 14/6/2010 tại Khoa Khoa học chính trị. Lớp chúng ta thuộc nhóm 3 gồm 86 học viên (học chung với hai lớp: lớp LL và PPDHBM Văn Tiếng Việt và lớp Văn học Việt Nam).

Chú ý: Các bạn nhớ mang theo 02 ảnh 2x3 và 02 ảnh 3x4 để làm bảng tên. Tập trung tại Khoa Sư phạm sau khi học xong Triết học.

Thông báo

Theo thông báo từ Khoa Sư phạm: Lớp chúng ta sẽ không học môn LL DH đại học vào ngày 7/6/2010 do Thầy LP Lộc dạy mà sẽ dời lại vào cuối tháng sáu sau khi học môn Triết học.

Một số nội dung chính trong buổi sinh hoạt đầu khóa

Trong buổi sinh hoạt đầu khóa, Khoa Sư phạm đã thông báo một số nội dung chính như sau:

- Khoa phát giấy báo tập trung cho học viên theo từng đợt, mỗi đợt 02 tháng.
- Khoa sẽ làm giấy xác nhận tập trung, giấy xác nhận mua tài liệu cho học viên để thanh toán chi phí (nếu có yêu cầu).
- Chương trình đào tạo gồm 18 học phần với 55 tín chỉ. Sau khi kết thúc năm học đầu tiên, Khoa sẽ giao đề tài làm luận văn tốt nghiệp.
- Ngoại ngữ Tiếng Pháp là môn điều kiện. Lớp trưởng sẽ lập danh sách học chứng chỉ C (hợp đồng dạy).
- Sau khi kết thúc học phần Triết học (bài thi + tiểu luận), học viên sẽ được cấp chứng chỉ.
- Nên lập địa chỉ email của lớp để Khoa và lớp thuận lợi khi liên hệ với nhau.
- Khoa dự kiến mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm (15 TC). Nếu có sẽ thông báo cụ thể sau.

Thứ Ba, 18 tháng 5, 2010

Thông báo địa chỉ email chính thức của lớp


Địa chỉ email chính thức của lớp cao học LL và PPDHBM tiếng Anh: chavk17@gmail.com

Đây là hộp thư chính thức của lớp dùng để liên lạc với các giảng viên, các thành viên trong lớp với nhau hoặc trao đổi, chia sẻ tài liệu qua mail này.

Ban cán sự sẽ gửi password của họp thư này đến các bạn khi vào học chính thức.

Sinh hoạt đầu khóa k17


Ngày 17/5/2010, Khoa Sư phạm tổ chức buổi sinh hoạt đầu khóa cho các học viên cao học khóa 17 (2010-2012) tại Hội trường của Khoa.
Tại buổi sinh hoạt trên, nhà trường đã thông tin đến các học viên về Qui chế đào tạo trình độ thạc sĩ, phát kế hoạch học tập toàn khóa và lịch học môn Triết học.
Lớp đã bầu ra Ban cán sự lớp gồm 01 lớp trưởng, 01 lớp phó và 01 thủ quỹ.
Lớp cũng thống nhất sẽ đăng ký học Tiếng Pháp để lấy chứng chỉ C phục vụ cho đầu ra cao học. (Dự kiến học vào ngày 14/6/2010 trùng với thời gian học môn Triết học).

Thứ Hai, 17 tháng 5, 2010

Chuyên ngành: LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC BỘ MÔN TIẾNG ANH - Mã số: 601418


1. Các chuyên ngành tốt nghiệp đại học có thể đăng ký dự thi

Ngành đúng và phù hợp: SP. Anh văn.

Các chuyên ngành gần: Anh văn.

Các môn bổ sung kiến thức đối với ngành gần: các tín chỉ sư phạm

Các môn thi tuyển: Ngoại ngữ, Ngôn ngữ, PP giảng dạy tiếng Anh.

2. Mục tiêu đào tạo

Trau dồi và mở rộng kiến thức chuyên môn; Nâng cao khả năng vận dụng các phương pháp giảng dạy có hiệu quả; Nâng cao năng lực nghiên cứu thuộc lĩnh vực phương pháp giảng dạy tiếng; Phát triển nguồn nhân lực giảng dạy tiếng Anh chất lượng cao tại ĐBSCL.

3. Giới thiệu chương trình

Các khối kiến thức chính bao gồm: Lý luận dạy học; PP nghiên cứu khoa học trong giáo dục; Ngôn ngữ học ứng dụng; Nguyên lí và PP giảng dạy tiếng Anh; Thiết kế giáo trình; Thu nhận ngôn ngữ thứ hai; Nhận thức Anh ngữ; Ngôn ngữ học ứng dụng; Kiểm tra và đánh giá trong giảng dạy ngoại ngữ.

Phần chuyên sâu bao gồm các chuyên đề và các báo cáo nghiên cứu trong các lĩnh vực: Ngữ dụng học; Phân tích diễn ngôn; Giảng dạy môn đọc hiểu tiếng Anh; Giảng dạy môn viết tiếng Anh; Viết tiếng Anh sau đại học; Văn học trong giảng dạy ngôn ngữ; Đa truyền thông trong giảng dạy ngôn ngữ.

4. Lĩnh vực nghiên cứu và khả năng ứng dụng, chuyển giao công nghệ sau khi tốt nghiệp

Lĩnh vực nghiên cứu: Mô tả, thực trạng và đề xuất biện pháp cải tiến chất lượng dạy và học tiếng Anh tại khu vực ĐBSCL.

Sử dụng các kiến thức cập nhật trong các lĩnh vực quá trình tiếp thu ngôn ngữ, ngôn ngữ học tâm lý, ngôn ngữ học xã hội, phương pháp dạy học tiếng nước ngoài, phương pháp nghiên cứu khoa học,… để tăng cường hợp tác với đồng nghiệp trong các hoạt động chuyên môn: trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và nâng cao năng lực sư phạm.

5. Định hướng nghiên cứu tiếp

Nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc dạy và học tiếng nước ngoài; Nghiên cứu về văn hóa, ngôn ngữ, văn học có tác động đến việc dạy và học ngôn ngữ

Giới thiệu hoạt động đào tạo sau đại học

Viện Đại học Cần Thơ được thành lập ngày 31.03.1966. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Viện được đổi tên thành Trường Đại học Cần Thơ. Từ một số ít ngành đào tạo ban đầu, ngày nay Trường đã phát triển thành một trường đại học đa ngành với 78 chuyên ngành đào tạo bậc đại học, 28 chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ (Cao học), 7 chuyên ngành Đào tạo Tiến sĩ (Nghiên cứu sinh) và là cơ sở đào tạo đại học và sau đại học trọng điểm của Nhà nước, của Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiệm vụ trọng tâm của Trường là đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống và dân trí trong vùng. Song song với công tác đào tạo, Đại học Cần Thơ đã tham gia tích cực các chương trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Trường và ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, công nghệ, kinh tế, văn hóa và xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, Trường đã sớm tạo được mối quan hệ hợp tác khoa học kỹ thuật rộng rãi với các trường đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước. Thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, năng lực quản lý và chuyên môn của đôi ngũ cán bộ của Trường đã được nâng cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm được bổ sung và hiện đại hóa đã đáp ứng có hiệu quả yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo và mở rộng các ngành đào tạo. Thêm vào đó, từ những kết quả của các công trình nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, Trường đã làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao phục vụ thiết thực sản xuất, đời sống và xuất khẩu tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.

Trường không ngừng phấn đấu để sánh vai cùng các trường đại học, các viện nghiên cứu trong nước, trong vùng, và theo kịp đà phát triển của khoa học kỹ thuật tiên tiến, xứng đáng với vai trò là trung tâm văn hóa - khoa học - kỹ thuật của Đồng bằng sông Cửu Long.

Đào tạo Sau đại học

1. Mục tiêu đào tạo sau đại học

1.1. Đào tạo sau đại học dành cho những người tốt nghiệp đại học với mục tiêu trang bị những kiến thức sau đại học và nâng cao kỹ năng thực hành nhằm xây dựng đội ngũ những người làm khoa học có phẩm chất chính trị, đạo đức, có ý thức phục vụ nhân dân, có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, khoa học- công nghệ của đất nước.

1.2. Đào tạo sau đại học bao gồm: đào tạo thạc sĩ, đào tạo tiến sĩ và bồi dưỡng sau đại học

- Thạc sĩ phải có kiến thức chuyên môn vững vàng; có năng lực thực hành và khả năng thích ứng cao trước sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và kinh tế; có khả năng phát hiện và giải quyết vấn đề thuộc chuyên ngành được đào tạo.

- Tiến sĩ phải có trình độ cao về lý thuyết, thực hành; có năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu; có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn; Phát hiện và giải quyết được những vấn đề khoa học - công nghệ.

- Bồi dưỡng sau đại học là loại hình đào tạo nhằm bổ sung, cập nhật, nâng cao kiến thức để theo kịp sự phát triển của khoa học, công nghệ trong nước và trên thế giới.

2. Hình thức và thời gian đào tạo

2.1. Bậc thạc sĩ: hình thức tập trung, thời gian 2 năm.

2.2. Bậc Nghiên cứu sinh: Thời gian đào tạo đối với người có bằng Thạc sĩ theo hình thức không tập trung, thời gian 4 năm.

3. Chương trình đào tạo Thạc sĩ

3.1. Chương trình đào tạo thạc sĩ phải đảm bảo cho học viên cao học được bổ sung và nâng cao những kiến thức đã học ở đại học; hiện đại hóa những kiến thức chuyên ngành; tăng cường kiến thức liên ngành; có đủ năng lực thực hiện công tác chuyên môn và nghiên cứu khoa học trong chuyên ngành đào tạo.

3.2. Chương trình đào tạo thạc sĩ phải có khối lượng từ 30 đến 55 tín chỉ, trong đó một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết, 30 đến 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận, 45 đến 60 giờ viết tiểu luận, bài tập lớn hoặc luận văn tốt nghiệp.

3.3. Cấu trúc chương trình đào tạo

Ch­ương trình đào tạo trình độ thạc sĩ được cấu trúc gồm:

3.3.1. Các môn học chiếm khoảng 80% thời l­ượng chư­ơng trình đào tạo trình độ thạc sĩ, bao gồm: phần kiến thức chung (môn Triết học và môn tiếng Anh) và phần kiến thức cơ sở và chuyên ngành.

a) Đối với phần kiến thức chung:

- Môn Triết học: có khối lượng 5 tín chỉ đối với các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học xã hội – nhân văn và 4 tín chỉ đối với các chuyên ngành thuộc nhóm ngành khoa học khác;

- Môn tiếng Anh: học viên khi tốt nghiệp phải đạt trình độ TOEFL ITP 450 điểm; iBT 45 điểm; IELTS 5.0 hoặc tương đương; Chứng chỉ C của Trung tâm Ngoại ngữ Trường Đại học Cần Thơ cấp hoặc đạt yêu cầu của Hội đồng đánh giá ngoại ngữ sau đại học của Trường.

b) Đối với phần kiến thức cơ sở và chuyên ngành:

- Trong từng khối kiến thức cơ sở và kiến thức chuyên ngành đều có học phần bắt buộc và học phần tự chọn;

- Nhóm học phần bắt buộc chiếm khoảng 50% thời l­ượng chư­ơng trình đào tạo bao gồm những nội dung kiến thức chính yếu của mỗi chương trình đào tạo, buộc học viên phải tích lũy;

- Nhóm học phần tự chọn chiếm khoảng 30% thời l­ượng ch­ương trình đào tạo là học phần bao gồm những nội dung kiến thức cần thiết, học viên được tự chọn theo hướng dẫn của cơ sở đào tạo nhằm đa dạng hoá hướng chuyên môn hoặc được tự chọn tuỳ ý để tích luỹ đủ số học phần quy định cho mỗi chương trình.

3.3.2. Luận văn thạc sĩ, chiếm khoảng 20% thời l­ượng ch­ương trình đào tạo. Đề tài luận văn thạc sĩ là một chuyên đề khoa học, kỹ thuật hoặc quản lý cụ thể, được người hướng dẫn đồng ý và được Hội đồng khoa học và đào tạo chấp thuận.

3.4. Tóm tắt Quy trình đào tạo bậc Thạc sĩ

Tốt nghiệp đại học

Thi tuyển 3 môn(1) Ngoại ngữ, (2) Cơ bản, (3) Cơ sở
Phần I Kiên thức chung
Phần 2 Kiến thức cơ sở và chuyên ngành
- Học phần bắt buộc
- Học phần tự chọn theo chuyên ngành
Phần 3 Luận văn thạc sĩ
Tốt nghiệp cao học (Thạc sĩ)

Phần 1 – Các môn học của chương trình đào tạo thạc sĩ

Nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành không phải học phần này. Nghiên cứu sinh đã có bằng thạc sĩ ở chuyên ngành gần với chuyên ngành đào tạo tiến sĩ phải học bổ sung các môn cần thiết để có kiến thức tương đương với người có bằng thạc sĩ đúng chuyên ngành.

Tuyển sinh Sau đại học

Cao học

Người dự thi phải có các điều kiện sau đây:

1.1. Về văn bằng

a) Đã tốt nghiệp đại học đúng ngành hoặc phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi.

Riêng đối với ngành ngoại ngữ, nếu người dự thi đăng ký theo ngành ngoại ngữ đúng với bằng tốt nghiệp đại học theo hình thức giáo dục thường xuyên thì phải có bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy thuộc ngành ngoại ngữ khác;

b) Người có bằng tốt nghiệp đại học gần với ngành, chuyên ngành dự thi phải học bổ sung kiến thức trước khi dự thi. Nội dung, khối lượng (số tín chỉ) các môn học bổ sung được quy định riêng cho từng nhóm chuyên ngành.

1.2. Về kinh nghiệm công tác chuyên môn

Người có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên thuộc ngành đúng hoặc phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi được dự thi ngay sau khi tốt nghiệp. Những đối tượng còn lại phải có ít nhất một năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với ngành, chuyên ngành đăng ký dự thi, kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp đại học đến ngày nộp hồ sơ dự thi.

Hàng năm, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức thi tuyển sau đại học 2 đợt

- Đơt 1: vào tháng 2

- Đợt 2 vào tháng 8

Địa chỉ liên hệ:

Phòng Đào tạo - Trường Đại học Cần Thơ

Khu II, đường 3 tháng 2 – Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Điện thoại: 0710.831530-8356, fax: 0710.831156